BẠN MUỐN TIẾT KIỆM ĐỂ MUA NHÀ? HƯỚNG DẪN CÁCH LẬP KẾ HOẠCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

Last updated: 4 Nov 2024  |  91 Views  | 

BẠN MUỐN TIẾT KIỆM ĐỂ MUA NHÀ? HƯỚNG DẪN CÁCH LẬP KẾ HOẠCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

CÁCH LẬP KẾ HOẠCH QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

 

Bước 1: Xác định mục tiêu tài chính cá nhân 

Đầu tiên, hãy xác định những mục tiêu bạn muốn đạt được về tài chính. Mục tiêu đó có thể là tiết kiệm để mua một căn nhà, trả hết nợ, tiết kiệm hưu trí, hoặc đầu tư vào sự nghiệp của bạn,… Với mỗi mục tiêu bạn cần cần xác định rõ số tiền cần đạt được cùng với khoảng thời gian thực hiện. 

Việc xác định đúng mục tiêu tài chính, nhất là khi nó hướng đến cuộc sống mà bạn mong muốn, sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn để tiết kiệm cũng như là chi tiêu hợp lý. Bạn có thể liệt kê nhiều mục tiêu, nhưng hãy chọn tập trung vào một mục tiêu duy nhất vào mỗi thời điểm để không tự gây áp lực lớn cho bản thân. 

Bước 2: Đánh giá tình hình tài chính cá nhân hiện tại 

Có hai khoản mục quan trọng nhất cần đánh giá là dòng tiền và tài sản. Với dòng tiền, hãy xem xét toàn bộ thu nhập và chi tiêu hàng tháng của bạn. Bạn có thể tự tạo bảng tính hoặc sử dụng mẫu có sẵn trên excel hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính để ghi lại số liệu thu – chi trong 1 đến 3 tháng gần nhất. Điều này sẽ giúp bạn biết được bạn đang tiêu tiền như thế nào và tìm ra các khoản chi tiêu không cần thiết có thể cắt giảm. Với tài sản, hãy thống kê lại toàn bộ tài sản bạn đang sở hữu và cả những khoản nợ nếu có. 

Bước 3: Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân  

Dựa trên đánh giá tài chính của bạn, hãy tạo một ngân sách hàng tháng. Bạn cần xác định số tiền muốn dành cho các khoản chi và hãy cố gắng để thu nhập của bạn không vượt quá chi tiêu để có thể tiết kiệm được một phần. Một số phương pháp quản lý chi tiêu mà bạn có thể áp dụng như: 



Quy tắc 50 – 30 – 20
Bạn sẽ phân chia thu nhập thành 3 phần: 

50% cho chi tiêu cơ bản: Đây là phần thu nhập được dành để chi trả các chi phí cơ bản và thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, chi phí ăn uống, đi lại, bảo hiểm, và các khoản vay có lãi suất thấp như khoản vay mua nhà hoặc ô tô. Phần này giúp đảm bảo bạn có đủ tiền để  duy trì cuộc sống hàng ngày. 

30% cho chi tiêu cá nhân: Phần này được dành để chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân như mua sắm, đi xem phim, du lịch, hoạt động giải trí, và các chi phí không thiết yếu khác. Đây là phần giúp bạn tận hưởng cuộc sống và đáp ứng những mong muốn cá nhân. 

20% cho tiết kiệm và đầu tư: Phần này được dành để tiết kiệm và đầu tư vào tương lai. Bạn có thể sử dụng số tiền này để tạo quỹ dự phòng, trả nợ, tiết kiệm mua nhà, đầu tư để tăng thu nhập hoặc tiết kiệm cho hưu trí. Phần này giúp bạn xây dựng và bảo vệ tài sản trong tương lai. 

Quy tắc 50-30-20 có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy theo tình hình tài chính cá nhân của mỗi người. Mục tiêu của phương pháp là giúp bạn cân nhắc và quản lý chi tiêu một cách hợp lý, đảm bảo rằng bạn không chi tiêu quá nhiều và vẫn có khả năng tiết kiệm và đầu tư cho tương lai của mình. 

Quy tắc “6 chiếc lọ”

Là quy tắc được tạo ra bởi tác giả Harv Eker, tác giả nhiều cuốn sách tài chính nổi tiếng thế giới như “Bí mật tư duy triệu phú”. Với cách quản lý này, bạn sẽ phân chia thu nhập thành 6 phần khác nhau: 

Lọ Nhu yếu phẩm (55%): khoản chi cho nhu cầu thiết yếu, cung cấp chi phí cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tiền nhà, hóa đơn điện nước… 

Lọ Giải trí (10%): chi tiêu cho các hoạt động giải trí như đi xem phim, du lịch, hoặc mua sắm không thiết yếu. Điều này giúp bạn tận hưởng cuộc sống và giải trí một cách cân bằng. 

Lọ Học tập và phát triển bản thân (10%): khoản chi cho đầu tư phát triển bản thân, tham gia các khóa học chứng chỉ, kỹ năng, workshop… để trau dồi kiến thức chuyên môn cho bản thân, tăng cơ hội thăng tiến trong công việc. 

Lọ Từ thiện (5%): với tinh thần san sẻ yêu thương, bạn có thể trích ra 5% dành cho khoản chi từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè hoặc cho các quỹ vì cộng đồng. Tuy nhiên nếu tình hình tài chính của bạn không tốt, bạn có thể điều chỉnh phần trăm phù hợp. 

Lọ Tiết kiệm dài hạn (10%): khoản chi cho mục tiêu tài chính dài hạn như nhà, xe, con cái…phục vụ cho những mục tiêu tiết kiệm dài hạn cho cuộc sống. 

Lọ Tự do tài chính (10%): khoản chi cho kinh doanh và đầu tư nhằm mục đích sinh lời, tạo nên thu nhập thụ động. 

Quản lý nợ chặt chẽ  

Nếu bạn có nợ, đặc biệt là nợ có lãi suất cao như thẻ tín dụng, hãy tập trung vào việc trả nợ. Xác định mức tiền bạn có thể dành cho việc trả nợ hàng tháng và tìm cách trả nợ một cách hiệu quả nhất. Nếu có thể, hãy cố gắng trả nợ trước hạn để tránh trả nhiều lãi suất. 

Bước 4: Xây dựng quỹ dự phòng cho tài chính cá nhân 

Tạo một quỹ tiết kiệm dự phòng để ứng phó với những tình huống khẩn cấp hoặc chi tiêu bất ngờ. Mục tiêu của bạn là có đủ tiền để chi trả các chi phí không mong muốn như chi phí y tế, sửa chữa xe hoặc mất việc làm. 

Bước 5: Tiết kiệm và đầu tư 

Xác định mức tiền bạn có thể tiết kiệm hàng tháng và tìm hiểu về các cách đầu tư phù hợp với mục tiêu tài chính của bạn. Có thể là mở một tài khoản tiết kiệm ngân hàng hoặc đầu tư vào cổ phiếu, quỹ đầu tư hoặc bất động sản. Tìm hiểu kỹ về các cơ hội đầu tư và tìm nguồn tư vấn tài chính nếu cần thiết. 

Bước 6: Giám sát và điều chỉnh tài chính cá nhân

Theo dõi kế hoạch tài chính của bạn hàng tháng và điều chỉnh nếu cần. Xem xét các thay đổi trong thu nhập hoặc chi tiêu và cân nhắc điều chỉnh ngân sách hoặc kế hoạch đầu tư của bạn. 

Hy vọng thông qua những chia sẻ trên, bạn có thể hình dung rõ hơn cách xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời. 

Powered by MakeWebEasy.com
This website uses cookies for best user experience, to find out more you can go to our Privacy Policy  and  Cookies Policy